Anh-tin-bai
THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
BÚT KÝ "YÊN NA - HỘI TỤ ĐỂ PHÁT TRIỂN" CỦA NHÀ VĂN, NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HÓA VI HỢI

Từ ngày 01/7/2025, xã Yên Na chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai xã Yên Na và Yên Tĩnh. Đây không chỉ là một sự kiện hành chính theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, mà còn là một cuộc hội ngộ thiêng liêng và đầy xúc cảm giữa hai địa phương vốn cùng chung một cội nguồn văn hóa, lịch sử. Trải qua những chặng đường phát triển riêng biệt với bao nỗ lực và thành tựu đáng ghi nhận, hôm nay, hai miền quê thân thuộc lại được đoàn tụ, hòa quyện thành một chỉnh thể thống nhất - xã Yên Na mới, mở ra một chương mới đầy hy vọng.

Sự kiện ấy không chỉ khơi gợi niềm xúc động trong lòng mỗi người dân, mà còn thắp lên niềm tin và kỳ vọng về một chính quyền hành chính mới - vững mạnh, gần dân, phục vụ nhân dân và đưa Yên Na ngày càng phát triển bền vững.

Bút ký "Yên Na - Hội tụ để phát triển" của Nhà văn, Nhà nghiên cứu Văn hóa Vi Hợi đã thể hiện sâu sắc những tình cảm ấy. Cổng thông tin điện tử xã xin trân trọng giới thiệu toàn văn tác phẩm đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong toàn xã để cùng lắng nghe, cùng suy ngẫm và cùng khơi dậy niềm tự hào, quyết tâm dựng xây quê hương Yên Na giàu mạnh.

Anh-tin-bai

(Hình ảnh bản Cặp Chạng - xã Yên Na nhìn từ trên cao)

 

Có những cuộc chia ly kéo dài cả đời người, nhưng cũng có những cuộc trở về khiến cả núi rừng thổn thức. Yên Tĩnh - mảnh đất thân quen từng là một phần máu thịt của Yên Na - sau 60 năm xa cách, đã trở về trong vòng tay hội tụ. Một sự trở về không chỉ là địa giới hành chính, mà là khát vọng đoàn viên, là tiếng gọi từ lòng đất mẹ vọng lên, vang vọng suốt núi đồi, dội lại trên từng mái nhà sàn, từng sườn nương trĩu hạt, từng khúc dân ca Thái trầm bổng giữa đêm trăng.

Hôm nay, Yên Na - xã miền núi nằm giữa đại ngàn Tương Dương cũ - không còn là mảnh ghép đơn độc, mà là bản hòa tấu chan chứa những thanh âm xưa cũ và mới mẻ, hội tụ trong bản trường ca của một vùng đất đang thức dậy, đang chuyển mình mạnh mẽ từ chính nội lực văn hóa, tình người và khát vọng vươn lên.

Yên Tĩnh - cái tên gợi lên một vùng đất thanh bình, nép mình dưới chân núi Pu Phen, bên dòng khe Chà Hạ róc rách - từng tách ra năm 1965, khi đất nước còn bộn bề vết chia cắt. Tách ra để đứng riêng, để trưởng thành, để gồng mình vượt qua bom đạn, nghèo đói, lũ rừng và những mùa giáp hạt. Sáu mươi năm ấy, Yên Tĩnh như người con đi xa lập nghiệp, chắt chiu từng giọt mồ hôi nơi đất khó, gắng sức làm nên bản sắc riêng trong dòng chảy phát triển của vùng cao Tương Dương.

Nay, trong làn sương sớm bảng lảng trên nóc nhà sàn, những tiếng gọi "mế", "cha", "anh", "em" từ Yên Tĩnh vọng sang Yên Na nghe như chẳng bao giờ vơi. Đó không phải là sự trở về mang dáng dấp hình thức, mà là cuộc hội tụ của huyết mạch, của nghĩa tình sâu nặng, của dòng máu quê hương chưa bao giờ thôi chảy trong tim mỗi người con núi rừng. Dẫu từng đi xa, nhưng ai mà không hướng về xã cũ Yên Na? Ai mà chẳng từng khắc khoải nhớ tiếng mõ trâu, tiếng chày giã cốm đầu thu, những buổi chợ phiên rộn rã tiếng cười? Và giờ đây, tất cả lại cùng chung một tên gọi - Yên Na, như một mái nhà lớn ôm trọn cả hai miền ký ức.

Đứng trên đỉnh núi Pu Phen, phóng tầm mắt ra bốn phương, Yên Na hôm nay hiện ra như một bức tranh đang được ghép lại từ những mảnh ghép lịch sử. Một bên là Yên Na xưa cũ với những bản làng như Bản Vẽ, Na Khốm, Huồi Cụt…, nơi có những người đàn ông giỏi đan lát, đàn bà dệt thổ cẩm, trẻ con ê a học chữ Thái trên nền đất đỏ au. Một bên là Yên Tĩnh với Na Cáng, Bản Hạt, Cặp Chạng…. mang đậm dấu ấn của đời sống lao động cần mẫn, nơi con suối nhỏ cũng biết kể chuyện cổ tích, nơi mỗi mái nhà đều là kho tàng ký ức của những mùa lúa trổ đòng, của tiếng khèn, tiếng sáo giữa hội xuân.

Anh-tin-bai

(Góc máy chụp bản Xiêng Nứa và bản Na Bón - xã Yên Na) 

 

Giờ đây, khi hai miền quê ấy nối lại một dòng chảy, dòng máu chung lại chảy rần rật trong tim đất, sức sống mới cũng đang nhen lên từ trong từng vách núi, từng lạch khe. Những con đường đất đá năm xưa dần được thay bằng bê tông vững chãi. Những em nhỏ Yên Tĩnh giờ được học chung mái trường với bè bạn Yên Na, cùng cắp sách lên lớp, cùng viết nên những dòng chữ đầu đời giữa lòng vùng cao đang khát khao đổi mới. Cán bộ xã không còn phải vượt suối, băng đèo để “nắm tay dân”, bởi giờ đây đã gần dân hơn bao giờ hết - bởi sự đoàn tụ, bởi hội tụ để phát triển.

Sự hội tụ lịch sử này còn là cơ hội lớn để Yên Na phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng, đưa kinh tế - văn hóa của địa phương phát triển bền vững. Mảnh đất này không chỉ có truyền thống, có nghĩa tình, mà còn có những sản vật quý báu như chè dây Pù Phen, một loại dược liệu thiên nhiên ngọt lành, có thể trở thành thương hiệu mạnh nếu được đầu tư chế biến, quảng bá. Hồ thủy điện Bản Vẽ - nơi hội tụ giữa sông núi, mây trời - đang là kho báu thủy sản với những loài cá đặc trưng, có thể vươn ra thị trường lớn nếu được kết nối với các kênh thương mại xanh, bền vững. Và không thể không nhắc đến thác Vạt - suối Lạnh, nơi từng làm say lòng biết bao người qua, đang chờ một bàn tay đầu tư để trở thành khu du lịch sinh thái hút hồn du khách phương xa - một điểm đến của trải nghiệm thiên nhiên và bản sắc.

Cùng với đó là lễ hội xên bản, xên mường, lễ mừng lúa mới của người Thái, lễ hội mừng nhà mới, cầu mùa của người Khơ Mú - những giá trị văn hóa độc đáo, có thể trở thành tài nguyên du lịch quý báu, gắn kết cộng đồng và lan tỏa bản sắc dân tộc. Trong dòng chảy phát triển hôm nay, Yên Na không đi một mình. Yên Na đi cùng lịch sử, đi cùng thời đại - và hơn hết, đi bằng chính nội lực của mình.

Yên Na mới - không chỉ là một địa danh mở rộng, mà là hình hài mới của một khối đoàn kết. Ở đó, người Thái, người Khơ Mú, người Kinh không còn phân biệt là đến từ Yên Na hay Yên Tĩnh cũ, mà tất cả cùng nhận mình là con của bản chung. Những tiếng chào nhau nơi chợ phiên, tiếng cười rộn ràng trong ngày hội “xên bản, xên mường”, ánh mắt hân hoan của những cụ già bên ché rượu cần... tất cả nói với ta rằng: đây là mảnh đất của tương lai, của tình người hội tụ.

Hành trình phía trước sẽ không dễ dàng. Vẫn còn những khó khăn chồng chất, vẫn có những mái nhà chông chênh trên triền núi, vẫn còn những người mẹ gùi ngô qua khe suối để đổi lấy từng nắm muối mà cái ăn chưa đủ no, cái mặc chưa đủ ấm. Nhưng giờ đây, họ không còn đơn độc. Họ có nhau – trong một xã Yên Na thống nhất, nơi lòng người đã liền mạch, nơi bàn tay đã siết chặt bàn tay, cùng nhau bắc nhịp cầu phát triển bền vững.

Sự hội tụ này - sau 60 năm - không chỉ là sự kiện hành chính. Nó là cơ hội, là cơ duyên lịch sử để khơi dậy nội lực, đánh thức tiềm năng, quy tụ trí tuệ và tâm huyết của cả cộng đồng. Là khi tiếng chiêng bản vang lên không còn lẻ loi, mà hòa chung trong đại ngàn vang dội tiếng gọi mùa mới. Là khi người già kể chuyện xưa, người trẻ nói chuyện ngày mai – và tất cả cùng nhìn về một hướng: Yên Na phát triển, no ấm, nghĩa tình.

Một bản làng cũ trở về trong vòng tay mẹ, để cùng viết nên những trang mới của bản trường ca đại ngàn. Đó là Yên Na - hội tụ để phát triển.

 

Nhà văn Vi Hợi - Ban Biên tập